"... Con ơi, trên đời không gì quý trọng bằng cơm gạo. Thóc
lúa là của ăn trời ban cho. Con hãy lấy gạo nếp mà làm thành hai thứ
bánh. Một bánh nặn hình tròn, tượng trưng cho Trời, một bánh gói hình
vuông tượng trưng cho Đất. Trong bánh hình vuông, con hãy cho vào đó một
ít nhân. Gói xong, cột lại, đem nấu chín, rồi dâng lên cho Vua cha thì
không có lễ vật nào sánh kịp được..."
Ngược dòng thời gian tìm về thời dựng nước, để đắm chìm trong
tiết xuân hây hây ngập tràn trời đất quyện lấy tiếng chiêng, trống tưng
bừng, rộn rã, ngày vua Hùng tổ chức lễ hội kén người kế vị ngai vàng.
Nguồn anh: datto
Hai
mươi vị hoàng tử đua nhau dâng sơn hào hải vị, ngọc ngà châu báu lên
vua cha, chỉ riêng chàng Lang Liêu - hoàng tử út được thần báo mộng đã
dâng vua đôi cặp bánh khiêm nhường, giản dị.
Nhưng thật không ngờ,
hai thức bánh thô sơ bình thường ấy lại được vua cha trầm trồ khen
ngợi, làm đẹp lòng hơn cả. Bánh nếp gạo nấu vừa chín tới, mùi vị gạo cơm
bốc lên, lại được điểm thêm nhân đậu vàng với thịt heo chín mềm... làm
vua cha ngây ngất.
Lang Liêu thật thà kể lại chuyện được thần chỉ
dẫn cho cách làm bánh. Nghe thế, vua cha biết rằng trời đã muốn giúp
mình chọn được thái tử tài ba, đức hạnh, thay mình trị vì toàn dân sau
này. Hùng Vương tuyên bố truyền ngôi cho Lang Liêu.
Bánh hình tròn tượng trưng cho trời, bánh hình vuông tượng trưng cho đất ấy được vua Hùng đặt tên là bánh chưng và bánh dầy.
Từ
đó, mỗi khi tết đến xuân về, dân gian thường làm hai thứ bánh này để tạ
ơn trời đất và là hai thức bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày
giỗ tổ Hùng Vương.
Nguồn ảnh: 24h
Để
có chiếc bánh chưng và bánh dầy dẻo thơm nhất thiết phải là loại gạo
nếp thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này thường có hạt to, tròn, dẻo, đều tăm
tắp và mới được thu hoạch nên vẫn còn thơm hương lúa mới.
Vục cả
hai bàn tay thô ráp vào đó rồi cúi thật sát, úp mặt mình vào những hạt
ngọc của đất trời, hít một hơi thật sâu, thật mạnh để bao nhiêu chắt
chiu nắng gió, mồ hôi tảo tần sớm khuya, cùng dòng sữa trắng tinh khiết
ngọt ngào, xộc thẳng qua đôi cánh mũi phập phồng lan tỏa đến mọi ngóc
ngách trong cơ thể đang tràn trề nhựa sống.
Ngoài gạo nếp, nguyên
liệu để làm bánh chưng còn có đỗ xanh, lá dong và thịt lợn. Đỗ xanh
thường được chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du
Việt Nam. Thịt lợn phải là loại lợn ỉn, nuôi chạy bộ, chỉ ăn cám rau tự
nhiên.
Không phải phần thịt lợn nào cũng được chọn làm bánh mà
chỉ có thịt ba chỉ, kết hợp cả mỡ và nạc nên nhân bánh sẽ có vị béo đậm
đà, không khô bã như các loại thịt mông, nạc thăn.
Gạo nếp sau khi
đã được xóc muối cho ngấm vị mặn mặn, chát chát của biển, được đổ vào
khuôn lót lá dong riềng, từng nắm đỗ tròn tròn đã đồ chín bẻ ra làm đôi,
rồi đặt từng miếng thịt đã ướp hạt tiêu, hành củ vào giữa, sau đó gói
lá lại.
Từng lớp lá nhẹ nhàng ôm lấy nhân chẳng khác nào tấm lòng
đôn hậu, dịu dàng, bao la của những người mẹ chở che cho những đứa con
bé bỏng của mình.
Dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân chuyên
làm bánh chưng dâng cúng trong ngày giỗ tổ Hùng Vương, từng chiếc bánh
trông vuông vức, nhân đều ở giữa, gạo rền xanh mướt, thơm phức hương
dong.
Nguồn ảnh: 24h
Còn
bánh dày được tạo thành chỉ từ mỗi gạo nếp. Gạo làm bánh dày được giã
thủ công nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ, không quá nắng để hạt
gạo không gãy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài tăng hương
thơm cho bánh.
Nếp được đồ chín, đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi
cơm vẫn nghi ngút khói bốc lên. Những thanh niên trai tráng với cơ bắp
dẻo dai, đều đều từng nhịp, giã nhuyễn những hạt nếp đồ xoắn xít vào
nhau, khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại
theo chiều "cuốn chiếu".
Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột
trắng mịn. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi
được vo tròn xếp vào lá dong. Dùng tay vắt thành từng cục bột nhỏ, nặn
tròn tròn rồi ấn bẹp xuống.
Theo dân gian, bánh chưng hình vuông
thuộc âm vì nó góc cạnh, hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất, đất có
cây, cỏ, đồng ruộng, núi rừng thì màu cũng phải xanh, trong bánh có
thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú, cỏ cây...
Bánh dày
hình tròn thuộc dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, dãn nở vô
cùng, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị. Sự tương
khắc nhau như giữa âm và dương, trời và đất, đàn ông và đàn bà mà hóa ra
lại thành tương sinh, tương hợp với nhau theo lẽ trời đất phát dục vạn
vật.
Vuông- tròn, ở đó nói lên biết bao sự tốt đẹp, gắn bó, thủy
chung, tình nghĩa vợ chồng, đạo lý làm con uống nước nhớ nguồn, nhớ công
ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Nguồn ảnh: vietbalo
Còn
theo tín ngưỡng phồn thực dân gian và triết lý nõ - nường – chày - cối -
chưng- dày, thì chúng còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.
Trên
mâm lễ dâng cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha
Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ tiên. Cha Rồng mẹ Tiên chính là khởi
thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.
Dân gian ngày trước
vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt lên bàn
thờ và khi biếu khách khứa, họ hàng cũng giữ tục biếu một cặp bánh
chưng.
Hai thức bánh tưởng như vô cùng đơn giản đó lại gói ghém
trong mình cả giá trị văn hóa, triết lý nhân sinh của nền văn hiến việt.
Tháng
ba âm lịch, thời khắc đẹp đẽ nhất trong năm đã chín, khi thiên nhiên
đất trời giao hòa, cái rét đậm của mùa đông đã xa gọi cái rét nàng Bân
vừa kịp đến, vụ mùa chưa rẩy hạt, con cháu khắp nơi náo nức một lòng
hướng về đất tổ.
Sẽ là hồn cốt, khắc sâu vào tiềm thức, gợi nhớ mà
say lòng theo từng nhịp chày giã bánh tràn trề hi vọng của chàng Lang
Liêu ngày nào trổ tài trước vua cha.